Tư vấn thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và phù hiệu

Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là hoạt động kinh doanh có điều kiện, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc liên quan đến kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đều phải đáp ứng các điều kiện tại Luật giao thông đường bộ năm 2008, Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT và các văn bản hướng dẫn khác.

Do là hoạt động kinh doanh có điều kiện, do đó Luật yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc liên quan đến kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đều phải đáp ứng các điều kiện và phải được cấp Giấy phép trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh.

Tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đối với các trường hợp doanh nghiệp kinh doanh vận tải không bố trí người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải hoặc có bố trí nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, thậm chí còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải từ 01 tháng đến 03 tháng, đồng thời buộc phải bố trí người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải đủ điều kiện theo quy định.

Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Hiện nay, tuy Luật đã có quy định tương đối rõ ràng về điều kiện, trình tự, thủ tục, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tổ chức, cá nhân còn chưa hiểu rõ về một số vấn đề mà Luật Danh Nam xin liệt kê ở dưới đây. Với kinh nghiệm và sự am hiểu sâu về lĩnh vực này, chúng tôi xin được đưa ra và làm rõ như sau:
1. Khái niệm “Kinh doanh vận tải” được hiểu như thế nào ?

Trong quá trình tư vấn pháp luật, chúng tôi nhận được rất nhiêu câu hỏi như: “Xe của công ty chỉ chở hàng của doanh nghiệp mình, không chở thuê thì có được coi là hoạt động kinh doanh vận tải hay không, có cần xin cấp phép hay không ?”, “Chúng tôi chỉ có 1 xe chờ hàng hoá gia đình, có phải kinh doanh vận tải hay không ?”, “Xe chúng tôi đã đổi qua biển vàng thì có cần phải xin cấp phép vận tải hay không ?”…

Với thắc mắc như trên, chúng tôi xin đưa ra quan điểm như sau:

Tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định 10/2020 giải thích Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi

Giải thích như trên có phần chưa thực sự rõ ràng, và hiện nay vẫn tồn tại 2 cách hiểu khác nhau:

+ Đối với xe không kinh doanh vận tải mà chỉ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân thì không được coi là “Kinh doanh vận tải” do đó, không phải xin cấp phép và phù hiệu;

+ Quan điểm khác lại cho rằng, kinh doanh vận tải không phân biệt trực tiếp hay gián tiếp mà chỉ cần thực hiện ít nhất một trong các công đoạn: trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải thì được coi là “Kinh doanh vận tải”.

Còn quan điểm của chúng tôi cho rằng, Luật quy định như vậy là chưa thực sự rõ ràng, nhà làm luật cần chi tiết hơn cũng như có hướng dẫn rõ ràng quy định cụ thể các trường hợp Kinh doanh vận tải và không kinh doanh vận tải. Trước đây, Nghị định 86/2014/NĐ-CP có phần chi tiết và rõ ràng hơn về vấn đề này.

2. Người điều hành vận tải cần có bằng cấp như thế nào ?

Tại điểm d khoản 1 Điều 67 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải”; tại khoản 13 Điều 3 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định: “Người có trình độ chuyên môn về vận tải là người có chứng chỉ sơ cấp chuyên ngành vận tải hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành vận tải trở lên”.

Tại hướng dẫn của Bộ giao thông vận tải, thì các loại chứng chỉ sơ cấp hoặc bằng tốt nghiệp có ghi chuyên ngành vận tải đường bộ, các chuyên ngành có liên quan đến tổ chức, khai thác và quản lý vận tải đường bộ sẽ là các chuyên ngành phù hợp.

3. Thủ tục cấp Giấy phép và phù hiệu là như thế nào, đến đâu để thực hiện ?

3.1. Điều kiện và thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bao gồm:

– Đã đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định trên hệ thống ngành nghề của tổ chức, cá nhân;

– Yêu cầu về bãi đỗ xe phải đảm bảo an ninh, trật tự; đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường; đường ra, vào bãi đỗ xe phải được bố trí đảm bảo an toàn và không gây ùn tắc giao thông.

– Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

– Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải;

– Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử).

3.2. Điều kiện và thủ tục cấp phù hiệu

– Phương tiện phải được ghi nhận Kinh doanh vận tải, lắp thiết bị giám sát hành trình, đã đăng ký “biển vàng”;

– Phải luôn duy trì hoạt động bình thường của thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát buồng lái;

– Hồ sơ cấp phù hiệu gồm:

+ Bản sao đăng ký và đăng kiểm phương tiện;

+ Đơn đề nghị cấp phù hiệu

3.3. Cơ quan cấp Giấy phép và phù hiệu: Sở giao thông vận tải địa phương nơi tổ chức, cá nhân đặt trụ sở.

4. Hoạt động tư vấn của Luật Danh Nam

 – Tư vấn các quy định của pháp luật liên quan đến việc cấp phép, các điều kiện, trình tự thủ tục cấp Giấy phép vận tải, phù hiệu;

– Đại diện tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục cấp phép theo đúng quy định của pháp luật;

– Liên hệ với các cơ quan nhà nước, nộp và nhận kết quả công việc;

– Tư vấn các vấn đề phát sinh trong quá trình doanh nghiệp hoạt động như: tư vấn hợp đồng, giải quyết tranh chấp…

– Ngoài tư vấn xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, chúng tôi có thể tư vấn chính xác cho Quý khách về các thủ tục khác liên quan như: Tư vấn về điều kiện, hồ sơ, thủ tục xin Phù hiệu; Giấy phép Liên vận Việt Lào; Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế…

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DANH NAM

Hotline: 02462600916/0985910902

Văn phòng giao dịch: Tầng 4, Số 142 phố Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Email: luatdanhnam@mail.com                                     Website: luatdanhnam.vn

Rất mong được phục vụ Quý khách hàng!

Trân trọng./.

Bài viết liên quan